Sức ép tỷ giá
Tỷ giá USD/VND duy trì ổn định trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 khi nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam được cải thiện đáng kể, nhờ xuất siêu hàng hóa ở mức cao và sự phục hồi doanh thu từ khách du lịch quốc tế, cũng như kiều hối. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ tích trữ USD trên thị trường hạ nhiệt, khi ngay từ đầu năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm tốc độ nâng lãi suất xuống chỉ còn 0,25%/năm trong mỗi kỳ họp, báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.
Xem thêm: Thị trường chứng khoán liệu chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023?
Tuy nhiên, sức ép lên tỷ giá gia tăng từ tháng 6, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, với 4 lần trong tháng 3, 4, 5 và 6. Chính sách tiền tệ ngược chiều giữa Việt Nam và Mỹ, cộng thêm thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng.
Lý giải cho đà tăng của tỷ giá, ông Khoa cho rằng, nguyên nhân chính đến từ những biến động trên thị trường quốc tế. Với những lo ngại về lạm phát của Mỹ chưa hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng, trong khi các số liệu kinh tế khác của Mỹ vẫn không cho thấy dấu hiệu suy thoái, mặt bằng lãi suất của Mỹ đã tăng trở lại trong tuần qua, chỉ số USD Index tăng trở lại.
Trong khi đó, đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu chậm lại đáng kể của đà hồi phục kinh tế sau mở cửa, khiến nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh. Đà mất giá của CNY cùng sự mạnh lên của USD khiến những ngoại tệ khác trong khu vực cũng mất giá đáng kể. Đứng trước xu hướng đó, VND không phải là ngoại lệ.
Ước tính, Ngân hàng Nhà nước còn dư địa khoảng 2 – 2,5% trước khi tỷ giá tiến vào vùng căng thẳng. Hiện tại, tỷ giá mua vào đang ở ngưỡng 23.600 đồng/USD và bán ra quanh ngưỡng 23.900 đồng/USD. Dư địa này đủ rộng để Ngân hàng Nhà nước yên tâm về tỷ giá để tiếp tục thực hiện các chính sách vĩ mô, nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế.
Chênh lệch lãi suất USD-VND sẽ dần thu hẹp khi tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh những tháng cuối năm, trong bối cảnh sản xuất dần phục hồi và các các vấn đề của thị trường bất động sản đang được tháo gỡ. Điều này cùng với khả năng Mỹ sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong kỳ họp vào tháng 9 tới của Fed sẽ làm suy yếu tâm lý đầu cơ ngoại tệ.
Tỷ giá tăng đột biến chỉ trong ngắn hạn
Sự chênh lệch lãi suất là một yếu tố tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến tỷ giá bật tăng thời gian qua. Tuy nhiên, đánh giá về xu hướng tỷ giá sắp tới, nhà phân tích cho rằng, biến động tăng đột biến của tỷ giá chỉ mang tính chất ngắn hạn. Dù những áp lực hiện hữu lên tỷ giá là tương đối rõ ràng, nhưng trong trung và dài hạn, VND vẫn có khả năng tăng giá trở lại.
Theo đó, trên thị trường quốc tế, USD được dự báo suy yếu trở lại trong những tháng cuối năm, trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Đồng thời, những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn tích cực. Theo đó, dù chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng, nhưng cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 vẫn ước xuất siêu 16,26 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,96 tỷ USD).
Thêm vào đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng trưởng ổn định, với mức vốn thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nỗ lực của Chính phủ để hỗ trợ hồi phục kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa trên diện rộng có thể giúp xây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác, tạo ra các kết quả tích cực.
Tác động của sự tăng tỷ giá đến thị trường chứng khoán
Nhìn lại năm 2022, tỷ giá USD/VND biến động mạnh, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 8 – 11/2022, đỉnh điểm là tháng 9 – 10/2022, VND mất giá hơn 4%. Để hỗ trợ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã bán một lượng lớn USD, tương ứng rút gần 500.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống, dẫn tới thanh khoản thị trường sụt giảm. Bên cạnh đó, nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành 2 lần vào tháng 9 và 10/2023, với tổng mức tăng 2%.
Chính 2 động thái này đã gây ra tác động kép, khiến mặt bằng lãi suất trong nước tăng mạnh. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt, nhiều doanh nghiệp đối mặt với rủi ro thanh khoản do không thể tái tài trợ các khoản vay sắp đáo hạn. Áp lực dòng tiền và tâm lý phòng thủ khi vĩ mô bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu.
Thực tế, tỷ giá tăng mạnh trong tháng 8/2023, nhưng được nhìn nhận chưa có tính đột biến và trong tầm kiểm soát, do vậy các chính sách nới lỏng tiền tệ có thể tiếp tục được triển khai. Dòng tiền nội tệ sẽ được đẩy ra thị trường, nền kinh tế được hỗ trợ hồi phục, nên sẽ áp lực tỷ giá không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán vẫn có khả năng tăng điểm trong những tháng cuối năm, nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ, lương thực… đáng quan tâm đầu tư (hưởng lợi từ tỷ giá tăng).
Trong tình huống xấu, khi tỷ giá tiến vào vùng căng thẳng hoặc gia tăng đột biến do thiếu thanh khoản hệ thống, tình hình vĩ mô quốc tế xoay chuyển bất ngờ khiến chính sách tiền tệ nới lỏng bị tạm dừng hoặc đảo chiều, đây sẽ là điều kiện xấu cho thị trường chứng khoán.
Dù vậy, nếu chỉ xét ảnh hưởng của tỷ giá đến thị trường chứng khoán thì việc VND giảm giá sẽ có tác động trái chiều với từng ngành có liên quan trực tiếp. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn vay ngoại tệ lại bất lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp hưởng lợi hay gặp bất lợi cũng phải đặt trong bối cảnh tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát.